Tư vấn du lịch Cẩm Phả: Hotline: 0866 555819 Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Cẩm Phả

Vũng Đục - Tượng đài bất tử

26/12/2018 10:42:10 AM

Vốn chỉ là nơi người dân bắt cá mưu sinh, nhưng cho đến một ngày có hàng trăm chiến sĩ cách mạng và dân thường bị bắt, hy sinh và tử nạn thì Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) đã trở thành địa danh ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, là tượng đài bất tử về khí tiết của những người con Vùng mỏ ngã xuống trong quá trình đấu tranh bảo vệ Khu mỏ thân yêu.

Di ảnh một số nữ liệt sĩ hi sinh ở Vũng Đục. Ảnh Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp

Tại Đền thờ liệt sĩ Vũng Đục hiện còn lưu giữ tài liệu liên quan đến sự hy sinh của một số liệt sĩ ở đây. Đó là bản báo cáo gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài liệu đã giúp nhiều người hiểu thêm về những mất mát hy sinh và phong trào đấu tranh oanh liệt ở Vùng mỏ...

Theo tài liệu này, sự việc xảy ra vào khoảng cuối năm 1948. Trong suốt thời gian sau khi chiếm lại khu mỏ, thực dân Pháp và bọn chủ mỏ đã liên tục mở các đợt càn quét, bắn giết, khủng bố nhiều chiến sĩ yêu nước. Dã man nhất là vào thời điểm cuối năm 1948, chúng đã mở một chiến dịch khủng bố, bắt bớ hàng trăm người yêu nước, giam cầm tại lô cốt. Chúng đã dùng những cực hình tra tấn dã man các chiến sĩ cách mạng của ta. Nhiều người đã vì đói ăn và mất vệ sinh nên lở loét, phù thũng, có người bệnh nặng đã chết. Không lay chuyển được ý chí kiên cường của những chiến sĩ cộng sản và người dân yêu nước, chúng đã hèn hạ thủ tiêu họ rồi dìm xuống biển Vũng Đục.


Hai chiếc áo của chị Nguyễn Thị Tý và chị Phạm Thị Xuyến.

Báo cáo đề cập đến việc hy sinh của 8 chiến sĩ cộng sản tại Vũng Đục và phần thứ hai là sơ yếu lý lịch của mỗi người. Phần bên trên của công văn có ghi tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; bên góc trái ghi “Liên hiệp Công đoàn khu Hồng Quảng, Công đoàn mỏ Cẩm Phả; số: 12-BC/CĐ ngày 28-5-1959”. Nguyên nhân để có báo cáo này là từ một bài thơ của nhà thơ Huy Cận. Tháng 8/1958, nhà thơ Huy Cận cùng một số văn nghệ sĩ khác đã có chuyến thâm nhập thực tế tại Quảng Ninh. Tại đây, ông đã làm bài thơ “Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả” để ca ngợi sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng.

Trong cuốn “Hồi ký song đôi” (NXB Hội Nhà văn năm 2015) của nhà thơ Huy Cận, có ghi: “Sau mấy tháng đi lao động ở Vùng mỏ về, tôi có được gặp Bác Hồ trong một cuộc Bác gặp chung nhiều văn nghệ sĩ khác đi thực tế các nơi về… Đến lúc bài thơ của tôi nhan đề là “Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả” đăng lên báo Nhân dân, được Bác xem, thì Bác gởi ngay 5 huy hiệu của Bác về cho Uỷ ban thị xã Cẩm Phả để tặng 5 gia đình đã có 5 người con gái hy sinh oanh liệt tại mỏ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Để có căn cứ gửi huy hiệu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu ngành Than sưu tầm, xác minh và báo cáo sự việc trên. Người ký vào báo cáo này là ông Nguyễn Văn Hoa, thay mặt Ban Thường vụ Công đoàn mỏ Cẩm Phả.

Nhân viên Bảo tàng Quảng Ninh bảo quản những hiện vật về các liệt sĩ hy sinh tại Vũng Đục.

Về sự hy sinh của 8 nữ liệt sĩ được giải thích như sau: “Chiều ngày 18-9-1948, giặc cho gọi tất cả mọi người ra tra xét nhưng không ai chịu khai, chúng bỏ đi và nói sáng mai sẽ thả. Nhưng đêm hôm đó, chúng bỏ 8 nữ chiến sĩ ấy cùng với 3 nam thanh niên khác vào 11 bao tải, lấy dây thép buộc lại, dùng dao đâm chết rồi đeo đá vào chở ra biển. Vào khoảng 12 giờ đêm, chúng bí mật dùng một chiếc thuyền của dân chài đẩy những bao tải ấy ra xa rồi thả xuống biển”.

8 liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính là: Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga. Các chị đã hình thành một đường dây liên lạc hoạt động trong toàn thị xã, cùng với các đồng chí khác đã đặt mìn phá nhiều xe của giặc, lấy thuốc tây của chúng chia cho bà con... Hoạt động của các chị bị lộ khi tên Vũ Văn Viễn chỉ điểm cho bọn mật thám bắt tất cả 80 người đem về nhốt tại trại lính gần đó vào ngày 23/7/1948.

Di ảnh và bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý tại nhà ông Vũ Cẩm.

Về những tổn thất trong những năm 1947 và 1948, sách “Quảng Ninh - Lịch sử kháng chiến chống Thực dân Pháp 1945 - 1954” (NXB Quân đội nhân dân năm 1991), đánh giá: “Tổn thất lớn nhất là vụ vỡ cơ sở ở thị xã Cẩm Phả do có nội phản. Hàng trăm đảng viên và đoàn viên công đoàn bị bắt, bị giặc xâu dây thép gai vào tay rồi ném xuống Vũng Đục. Tuy vậy, giặc cũng chỉ có thể gây tội ác man rợ chứ không thể đè bẹp được cuộc đấu tranh của nhân dân Khu mỏ. Ngay trong những tháng địch ra tay khủng bố như vậy, những cán bộ đảng viên của ta vẫn bám cơ sở, gây dựng phong trào chống Pháp”.

Tài liệu báo cáo của Công đoàn mỏ Cẩm Phả kể trên cũng nói khá kỹ về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý. Chị sinh năm 1929, quê quán tại xã Văn Thắng, huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), nay là Đông Anh (Hà Nội). Cha mẹ chị là công nhân và tiểu thương. Lớn lên chị Tý theo mẹ đi buôn bán, sau này chị giác ngộ cách mạng, làm cán bộ hoạt động bí mật, đóng giả người buôn bán để khai thác thông tin của địch. Khi bị giặc bắt, chúng hãm hiếp chị, dìm chị xuống bể nước bẩn, cho uống nước biển phồng bụng lên rồi đứng lên bụng chị mà đạp, nhưng chị vẫn kiên quyết không khai. Sau đó chúng doạ bắn, chị đưa tay lên đỡ, bị 3 viên đạn xuyên vào bàn tay và bả vai. Cuối cùng, giặc giết chị và mang ra Vũng Đục phi tang. Chị Tý có em trai làm cán bộ ở Khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh). Đó là ông Nguyễn Khắc Hàm, tức Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Hòn đá mà thực dân Pháp buộc kèm vào bao để nhấn chìm những chiến sĩ cách mạng.

Ông Vũ Cẩm cho biết: Đây đều là những cô gái cốt cán của phong trào cách mạng ở Khu mỏ lúc đó, họ đều là những thanh niên ưu tú, chưa xây dựng gia đình. Riêng chị Nguyễn Thị Tý lúc đó đang là Bí thư Thị hội Phụ nữ cứu quốc thị xã Cẩm Phả. Ông Vũ Cẩm rưng rưng xúc động khi cho tôi xem bức di ảnh và bằng Tổ quốc ghi công của chị gái mình. Ông Vũ Cẩm chỉ còn giữ lại được những hiện vật này. Ở Bảo tàng Quảng Ninh cũng chỉ còn chiếc áo bà ba may bằng vải phin gụ của chị Nguyễn Thị Tý. Cùng với đó còn có chiếc áo phin trắng của chị Phạm Thị Xuyến, là đồng đội của chị Tý và 1 hòn đá, 2 sợi dây điện mà thực dân Pháp dùng để buộc vào bao tải nhấn chìm những chiến sĩ cách mạng của ta.

Các hiện vật được tìm thấy vào năm 1959 khi nạo vét Vũng Đục làm cảng than. Hòn đá buộc vào bao hiện còn nhiều vết tích hà bám, có kích thước 18x18x35,5cm. Dây điện là loại dây tròn, gồm 7 sợi nhỏ tết lại với nhau, bên trong có lõi thép, vỏ nhựa bọc bên ngoài đã hỏng gần hết. Những hiện vật này một lần nữa minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của các nữ chiến sĩ cách mạng, tố cáo tội ác của Thực dân Pháp và bè lũ tay sai chủ mỏ cai ký, tố cáo những thủ đoạn bí mật thủ tiêu hèn hạ của chúng.

Chị Nguyễn Thị Tý là trường hợp được ghi lại khá chi tiết, 7 liệt sĩ còn lại đều được ghi vắn tắt về tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, thân nhân. Còn hàng trăm liệt sĩ, thợ mỏ yêu nước khác hiện đang yên nghỉ dưới khu vực Vũng Đục mà chưa thể biết được danh tính. Đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ, cụ thể về số lượng chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử nạn ở Vũng Đục. Vị trí các chiến sĩ hy sinh đã bị đổ đất, bồi lắng, thậm chí là xây dựng các công trình lên trên, do đó việc khai quật tìm kiếm chưa thể tiến hành. Một phần hài cốt của liệt sĩ Phạm Thị Xuyến đã được tìm thấy cùng với 1 số mẩu xương của các nạn nhân chưa rõ danh tính. Toàn bộ đã được Công đoàn mỏ Cẩm Phả và Bảo tàng Quảng Ninh đưa đi an táng chu đáo tại nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên, bản báo cáo và những hiện vật còn lại cũng đã góp thêm một cứ liệu lịch sử về tội ác dã man của thực dân Pháp tại Vùng mỏ.

Tượng đài Vũng Đục và bức phù điêu bằng đồng

Tại Vũng Đục, một tượng đài lớn và ngôi đền đã được dựng lên. Địa danh Vũng Đục không chỉ là nơi tố cáo tội ác của thực dân Pháp mà hơn thế, là tượng đài bất tử, nơi ghi dấu lòng dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận cái chết để bảo vệ tổ chức Công đoàn, tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng và Khu mỏ thân yêu.

Phạm Học-Báo QUẢNG nINH

 



Tin tức khác

Tổng truy cập: 187680
Đang Online: 363

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP DU LỊCH CẨM PHẢ

Cơ quan chủ quản: Phòng Văn hóa và Thông tin TP Cẩm Phả.

Số giấy phép: 51/GPTTĐT-STTTT, ngày 16/6/2023 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cấp.

Chịu trách nhiệm : Ông Bùi Hải Sơn, Trưởng phòng VH và TT Tp Cẩm Phả.


Địa chỉ: Số 376, đường Trần Phú, p.Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh

Số điện thoại:  0203.6.337995

Email: phongvhtt.cp@quangninh.gov.vn 

Chung nhan Tin Nhiem Mang